Màn hình dẻo gập lại được, camera selfie thò thụt hay sạc nhanh siêu tốc… góp phần tạo ra nhiều smartphone mới trong 2019.
Màn hình gập
2019 là một năm bùng nổ của smartphone màn hình dẻo có khả năng gập lại được khi Galaxy Fold và Mate X được thương mại hoá. Trong khi đó, Motorola cũng thu hút nhiều chú ý khi tung ra smartphone Razr. Một loạt các nhà sản xuất khác như TCL, Xiaomi tuyên bố đang phát triển sản phẩm có công nghệ màn hình tương tự.
Thiết kế độc đáo và mới lạ, mở rộng không gian hiển thị linh hoạt… là lợi ích mà smartphone màn hình gập mang lại. Dù vậy, giá bán cao và độ bền kém hơn thiết kế dạng thanh truyền thống là vấn đề mà công nghệ này cần phải cải thiện trong năm sau.
Màn hình viền siêu mỏng
Xu hướng tăng diện tích hiển thị và làm mỏng viền màn hình tiếp tục nở rộ trong 2019. Không chỉ trên smartphone cao cấp, nhiều smartphone giá rẻ ở tầm giá 200 USD trong năm nay cũng có thiết kế tràn viền với tỷ lệ hiển thị chiếm 85% diện tích mặt trước. Màn hình tràn viền với vùng khuyết kiểu tai thỏ như trên iPhone 11, 11 Pro không còn được đánh giá cao như trước khi smartphone khác có màn hình ngày càng rộng và viền ngày càng mỏng đi.
Camera thò thụt
Để có viền màn hình rộng hơn, cách được nhiều nhà sản xuất áp dụng trên smartphone 2019 là dùng camera selfie dạng thò thụt. Thiết kế này giúp cho màn hình tràn viền được liền lạc, không còn khuyết vì vướng ống kính của camera phía trước. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng không phải hy sinh chất lượng của camera trước vì vẫn có thể sử dụng được các cảm biến lớn. Xu hướng này được các hãng điện thoại Trung Quốc áp dụng tích cực nhất, từ Oppo, Vivo cho tới Huawei, Xiaomi…
Camera ẩn trong màn hình
Cùng thiết kế camera thò thụt, một cách nữa giúp smartphone có viền màn hình mỏng hơn là đưa camera vào trong màn hình. Trong 2019, Samsung liên tục tung ra smartphone từ cao cấp tới tầm trung, sử dụng camera bên trong màn hình, như Galaxy S10, Note 10 rồi Galaxy A51. Xu hướng này sau đó được một số nhà sản xuất Trung Quốc như Huawei, Honor ủng hộ. Thậm chí, Oppo và Xiaomi còn trình diễn công nghệ táo bạo hơn khi sử dụng loại camera và ống kính đặc biệt, có thể ẩn hẳn bên dưới màn hình hiển thị. Nó giúp tạo ra màn hình tràn viền hoàn toàn không có bất kỳ vùng khuyết nào. Đáng tiếc, công nghệ này chưa có mặt trên sản phẩm thương mại mà mới xuất hiện trên các mẫu thử.
Sạc nhanh
Công nghệ pin gần như không có đột phá trên điện thoại thông minh suốt thập kỷ qua. Nâng cấp chủ yếu vẫn là dung lượng. Vì thế, rút ngắn thời gian sạc trở thành cuộc đua nhằm cải thiện khả năng sử dụng pin trên smartphone của nhiều nhà sản xuất. Thời gian sạc đầy của nhiều smartphone không còn 2 đến 3 giờ như trước mà đã được rút xuống chỉ còn 30 phút đến 1 giờ là có thể nạp đầy 100% năng lượng. Công suất sạc được đẩy lên 45 – 65 W, ngang với bộ sạc của máy tính xách tay. Bên cạnh đó, không chỉ còn có mặt trên sản phẩm cao cấp, sạc nhanh đã xuất hiện ngày một nhiều trên các smartphone Android phổ thông giá dưới 5 triệu đồng.